Lúc chạm mặt chúng tôi, Y Ky một tay ôm đứa trẻ chừng 2 tuổi, tay còn lại vòng qua người đứa trẻ lớn hơn, đang ngồi tựa vào cô. Chiều Kon Tum ẩm ướt sau cơn mưa. Cái chòi nơi Y Ky đang ngồi bơ vơ giữa gió tốc tứ bề.

Lần đó, chúng tôi đang trên đường đi thăm bệnh nhân và người nghèo ở huyện Dakto (Kon Tum). Hôm ấy mùa mưa. Con đường bọc dưới chân núi Sạc Ly (Charlie) lầy lội, lại thêm thói quen quan sát của những người “đi tìm người nghèo”, chúng tôi bị một cái chòi bên đường đập vào mắt. Cái chòi hiện ra giữa rẫy khoai mỳ. Gọi là “chòi”, nhưng nó chỉ có bốn thanh gỗ nhỏ đỡ lấy một vạt tre rộng chừng 2 mét vuông. Trên đó trải một tấm chiếu, là nơi người phụ nữ trẻ và hai đứa con thơ đang ngồi. 

Ky sitting in the tent with her mother and youngest child

Dù chưa từng gặp, nhưng Y Ky biết chúng tôi. Xóm làng của cô là nơi đoàn tôi hay lui tới. Điểm đến của những chuyến đi đó là nhà của bệnh nhân, người nghèo mà chúng tôi đã nắm danh sách, và cả những gia đình chúng tôi gặp ven đường. Nhưng hễ dừng chân, chúng tôi hay đón tiếp những vị khách không hẹn. Họ chỉ vì biết chúng tôi hay đi tới vùng này mà tự tìm đến, nhờ chúng tôi khám bệnh, hoặc tỏ bày một cảnh ngặt nghèo. Y Ky chưa từng tìm đến xin giúp đỡ. Nhưng sau bao lần xóm làng lao xao vì chuyến thăm nom của anh em chúng tôi, cô không khó để nhận ra chúng tôi.

Ky with her two sons

Y Ky cởi mở trong cái vẻ thâm trầm của một người phụ nữ núi rừng. Nhưng chúng tôi biết, cô còn rất trẻ. Tôi hỏi, sao mấy mẹ con lại ngồi đây giờ này. Cô nói, “giờ ở đây luôn”. Lúc này thì A Que, chồng của Y Ky từ đâu đó giữa rẫy khoai mì cũng chạy đến. Anh khá lịch sự. Hỏi thăm một hồi, chắp vá từ những chi tiết trong lời kể của cả hai vợ chồng, chúng tôi hiểu, họ có 2 người con và đang không có nhà cửa. A Que 24 tuổi. Y Ky 21 tuổi. Trước kia, hai vợ chồng sống nhờ nhà bố mẹ, rồi hàng ngày lại đi phát cỏ mì thuê ở những rẫy khoai mì trong vùng. Ngặt nỗi, mới đây, cơn gió lốc cuốn phăng mái nhà. Căn nhà không “đứng dậy” nổi. Bởi, cái mái bị cuốn phăng cũng chỉ là một tấm tôn rách nát. Phần còn lại của ngôi nhà vốn liêu xiêu cũng trở nên mong manh sau cơn lốc. Họ thành người “vô gia cư”, chia nhau đi tìm nơi tá túc. 

Với một vợ, hai con, không chút tài sản – A Que quyết định trụ lại tại rẫy khoai mì. “Nhà” bây giờ là cái chòi ngay trước mắt tôi. Căn nhà che nắng che mưa dự tính sẽ được dựng lên sau khi hai vợ chồng ráng làm lụng, dành dụm. Nhưng, “ra riêng” rồi mới thấy cảnh. Hai đứa con nheo nhóc, mấy đồng tiền công phát cỏ mì thuê chỉ đủ vá víu những bữa cơm tẻ nhạt. Có khi, công sá chỉ đủ để “đổi công”, để đến vụ người ta lại về phụ làm rẫy nhà mình. Họ dần từ bỏ, “không nghĩ tới cái nhà nữa”. 

Thường, tôi hay quan sát cảnh nghèo của một gia đình qua căn bếp nhà họ. Những gì bày ra trong gian bếp miêu tả đúng nhất gia cảnh của một gia đình. Có những căn nhà tồi tàn, nhưng gian bếp ấm cúng. Còn người nghèo cùng nghèo tận, thì miếng canh măng nấu muối, hay nắm cơm độn, miếng lá mì xào được vét lại dành phần bữa tới – lại phơi bày hết cả. Nhưng, với gia đình A Que và Y Ky thì tôi không có cơ hội “kiểm chứng” điều đó. Họ không có bếp. Những bữa ăn có lẽ được nấu qua quýt trong một cái bếp dã chiến nào đó giữa khoảng đất trống gần căn chòi. Tôi hỏi: “mấy đứa nhỏ ăn uống thế nào?”. Y Ky bình thản nói: “Mấy đứa nhỏ không uống sữa. Không có sữa uống. Cũng không ăn cháo. Con được 6 tháng là cho ăn cơm với ba mẹ, ăn được gì thì ăn…”

Tôi quyết định làm nhà cho gia đình Y Ky sau khi hỏi thăm một vài thông tin về hộ khẩu… Chuyện cơm nước họ có thể gắng gượng để cải thiện. Nhưng hai đứa trẻ cần phải có một chỗ che nắng che mưa. Tôi nói chuyện với một ân nhân – người hay hỗ trợ các hoạt động từ thiện của mình. Họ nhanh chóng đồng ý. Ngay ngày hôm sau, khu đất bên cạnh cái chòi của Y Ky đã trở thành… công trình. Căn nhà 30 mét vuông, xây kiên cố nhưng không tô – để tối ưu hoá số tiền 38 triệu đồng cho việc làm nên một nơi ở ổn định.

10 ngày sau, căn nhà hoàn thiện. Tôi một lần nữa quay lại Dakto. Người phụ nữ trẻ rạng ngời, lúng túng. Chồng cô cũng vậy. Trước khi vào làm phép nhà, tôi đã kịp nghe Y Ky nói với người đi cùng đoàn: “Cảm ơn các ân nhân…”. Nói rồi, Y Ky và A Que lặng lẽ bồng đứa con vào cùng làm phép nhà . Chúng tôi cầu xin Chúa ban phước lành cho tổ ấm đang được nuôi dưỡng dưới mái nhà này.

Father Hieu with Ky and her two sons in their new house

Tôi cũng muốn nói lại câu nói của Y Ky: “Cảm ơn các ân nhân”. Mùa mưa này, căn nhà không chỉ là một chỗ ở yên ổn, mà có khi còn là một nơi cứu lấy những cơ thể non nớt, mong manh trước nguy cơ mắc chứng viêm phổi chết người vì cái lạnh sắc người sau mỗi cơn mưa rừng…

Phaolo Nguyễn Như Hiếu

Chuyên mục: Uncategorized

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *